Lịch sử Trung Hoa Dân Quốc (1912–1949)

Lịch sử
Trung Hoa Dân Quốc
Lịch sử
Chủ đề Đài Loan

Sơ kỳ kiến quốc

Ngày 1 tháng 1 năm 1912, Ngũ Sắc kỳ được treo trên đường phố Thượng Hải để chúc mừng khởi nghĩa thành công.

Những năm cuối thời Thanh, xã hội Trung Quốc bất ổn, Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn bùng phát khiến Liên quân tám nước phát động chiến tranh xâm chiếm Trung Quốc, buộc chính phủ triều đình Thanh phải ký Điều ước Tân Sửu[18]. Năm 1908, chính phủ Thanh ban bố "Khâm định hiến pháp đại cương", tuyên bố "mười năm sau thực thi lập hiến" để đối phó với các tiếng nói cải cách[19][20]. Ngày 27 tháng 4 năm 1911, Trung Quốc Đồng Minh hội phát động Khởi nghĩa Hoàng Hoa Cương tại Quảng Châu, song bị quân Thanh trấn áp[21].

Ngày 10 tháng 10 năm 1911, Cộng Tiến hội và Văn học xã phát động Khởi nghĩa Vũ Xương[22], trong vòng bảy tuần lễ có 15 tỉnh tại Trung Quốc tuyên bố thoát ly triều đình Thanh để độc lập[23], hình thành Cách mạng Tân Hợi có tính toàn quốc[24]. Những người cách mạng một mặt trù tính tổ chức chính phủ lâm thời[25], một mặt tiến hành đàm phán với Viên Thế Khải, đến ngày 8 tháng 12 thì đạt được nhận thức chung[26]: Nếu như Viên Thế Khải bức Hoàng đế thoái vị thì ông sẽ được bầu làm đại tổng thống lâm thời[18]trong bối cảnh nội chiến. Ngày 29 tháng 12, tại Nam Kinh đại biểu các tỉnh tuyên bố độc lập bầu Tôn Trung Sơn làm đại tổng thống lâm thời[27][28]. Cùng ngày, Jebtsundamba Khutuktu đời thứ tám thành lập Hãn quốc Bác Khắc Đa, tuyên bố Ngoại Mông Cổ thoát ly Trung Quốc để Mông Cổ độc lập cho đến ngày nay. Tại thủ phủ Lhasa của Tây Tạng phát sinh náo loạn, quan viên và quân đồn trú của triều Thanh Trung Quốc bị xua đuổi, Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 từ nơi lưu vong tại Ấn Độ trở về quản lý chính quyền Tây Tạng cho đến năm 1950 thì được Trung Quốc thu hồi trở lại. Ngày 1 tháng 1 năm 1912, Chính phủ lâm thời Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố chính thức thành lập[29], Tôn Trung Sơn tuyên thệ nhậm chức đại tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân Quốc[30][31]. Ngày 12 tháng 2 năm 1912, Long Dụ thái hậu trước khuyến nghị và bức bách của các đại thần triều đình Thanh như Viên Thế Khải, quyết định thay mặt Phổ Nghi công bố chiếu thư thoái vị, đồng thời trao quyền cho chính Viên Thế Khải lập chính phủ lâm thời[32][33], triều đình Thanh chính thức diệt vong[23].

Ngày 15 tháng 2 năm 1912, Viên Thế Khải được bầu làm đại tổng thống lâm thời thứ hai, rồi tuyên thệ nhậm chức tại Bắc Kinh vào ngày 10 tháng 3[34]. Trong tuyển cử nghị viên quốc hội Trung Hoa Dân Quốc lần thứ nhất vào cuối năm 1912, Quốc dân đảng do Tống Giáo Nhân lãnh đạo giành đa số ghế trong lưỡng viện[35]. Ngày 22 tháng 3 năm 1913, Tống Giáo Nhân thiệt mạng do bị ám sát trong khi sắp nhậm chức thủ tướng nội các[36], chính quyền quốc gia bị phái Bắc Dương quân phiệt gồm Viên Thế Khải kiểm soát. Tháng 7 cùng năm, Tôn Trung Sơn lấy lý do Tống Giáo Nhân bị ám sát và vay nợ quá nhiều, chỉ huy một số tỉnh miền nam phát động Cách mạng Lần thứ hai[37], song cuối cùng thất bại[38]. Ngày 6 tháng 10 năm 1913, Viên Thế Khải được Quốc hội bầu làm đại tổng thống thứ nhất của Trung Hoa Dân Quốc[4]. Ngày 31 tháng 10, Quốc hội thông qua "dự thảo hiến pháp Thiên Đàn", sử dụng chế độ nội các để hạn chế quyền lực của Viên Thế Khải. Sau đó, Viên Thế Khải dùng tội danh tham dự Cách mạng Lần thứ hai để cấm Quốc dân đảng, đồng thời hạ lệnh giải tán Quốc hội[39]. Ngày 18 tháng 3 năm 1914, Viên Thế Khải triệu tập Quốc dân đại hội sửa đổi "Ước pháp lâm thời" năm 1912, đổi chế độ nội các thành chế độ tổng thống[40], vào ngày 12 tháng 12 năm 1915 tuyên bố đổi quốc hiệu sang Trung Hoa Đế quốc[5]. Các tướng quân Thái Ngạc, Đường Kế Nghiêu tại Vân Nam lập tức tuyên bố độc lập, đồng thời tổ chức "Hộ quốc quân" thảo phạt Viên Thế Khải[41]. Ngày 22 tháng 3 năm 1916, Viên Thế Khải tuyên bố thủ tiêu chế độ quân chủ nhằm tìm cách duy trì giữ chức vụ tổng thống, song bị Hộ quốc quân cự tuyệt, ngày 6 tháng 6 cùng năm Viên Thế Khải bệnh mất[42].

Sau thời Viên Thế Khải, chính phủ trung ương thiếu thực lực quản lý thống nhất các địa phương, Trung Quốc tiến vào thời kỳ quân phiệt cát cứ[5]. Thế lực chủ yếu của Quân phiệt Bắc Dương có Hoàn hệ (phái An Huy) do Đoàn Kỳ Thụy đứng đầu, Trực hệ (phái Trực Lệ) do Tào Côn đứng đầu và Phụng hệ (phái Phụng Thiên) do Trương Tác Lâm đứng đầu, họ nhiều lần hỗn chiến nhằm khống chế Chính phủ Bắc Dương[43]. Ngoài ra, còn có các quân phiệt Tấn hệ (phái Sơn Tây) của Diêm Tích Sơn, Tây Bắc quân của Phùng Ngọc Tường, Điền hệ (phái Vân Nam) của Đường Kế Nghiêu và Quế hệ (phái Quảng Tây) của Lục Vinh Đình cát cứ một phương. Năm 1917, Tôn Trung Sơn và Việt hệ (phái Quảng Đông) hợp tác, lập ra Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc tại Quảng Châu, phát động Chiến tranh Hộ pháp[5].

Dù Trung Hoa Dân Quốc là nước chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất song Chính phủ Bắc Dương tại Hội nghị hòa bình Paris 1919 bị buộc phải trao tô giới của Đức tại Sơn Đông cho Nhật Bản[44], dẫn đến Phong trào Ngũ Tứ[45]. Phong trào Ngũ Tứ và Phong trào Tân văn hóa tạo ảnh hưởng sâu rộng đối với Trung Quốc, giới trí thức bắt đầu tìm kiếm đường lối cứu quốc mới, chủ nghĩa Marx bắt đầu được hoan nghênh tại Trung Quốc[29]. Ngày 10 tháng 10 năm 1919, Tôn Trung Sơn cải tổ Trung Hoa Cách mạng đảng thành Trung Quốc Quốc dân Đảng[46]. Ngày 23 tháng 7 năm 1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập[47]. Năm 1922, sau khi Phong trào Hộ pháp thất bại[48], Tôn Trung Sơn chọn chính sách "liên Nga dung Cộng"[49], tiến hành cải tổ Trung Quốc Quốc dân Đảng theo mô hình Đảng Cộng sản Liên Xô[50], đồng thời phái Tưởng Giới Thạch đến Moskva để tiếp nhận bồi dưỡng và huấn luyện chính trị-quân sự. Liên Xô đồng ý từ bỏ các nhượng địa ở Trung Quốc, và xóa bỏ những điều ước bất bình đẳng giữa Nga hoàng và triều đình Mãn Thanh, hỗ trợ Quốc dân đảng về mọi mặt nhưng Tôn Dật Tiên phải cho Đảng Cộng sản Trung Quốc gia nhập Quốc dân đảng. Tưởng Giới Thạch sau khi từ Liên Xô trở về nước tham dự kiến lập Trường quân sự Hoàng Phố, đồng thời nhậm chức hiệu trưởng, nhờ vậy sau này ông có được sự tín nhiệm và trung thành của các tướng lĩnh cao cấp của Trung Hoa Dân Quốc, những người từng được đào tạo tại Hoàng Phố, với tư cách là học trò của ông[51].

Quốc dân đảng nhận được viện trợ tài chính, quân sự và các cố vấn Liên Xô do Mikhail Markovich Borodin đứng đầu để thành lập quân đội theo kiểu Liên Xô đồng thời tổ chức lại Quốc dân đảng theo mô hình của người Bolsevik. Tháng 2 năm 1925, thầy trò Trường quân sự Hoàng Phố đánh tan thế lực Việt hệ quân phiệt. Tháng 7 cùng năm, Đại bản doanh đại nguyên soái lục-hải quân cải tổ thành Chính phủ Quốc dân, Uông Tinh Vệ nhậm chức Chủ tịch Chính phủ Quốc dân; cải tổ 'Hoàng Phố học sinh quân' và bộ đội các địa phương thành Quốc dân Cách mạng quân, Tưởng Giới Thạch nhậm chức tổng tư lệnh. Ngày 9 tháng 7 năm 1926, Quốc dân Cách mạng quân tuyên thệ Bắc phạt tại Quảng Châu[52]. Cùng năm, Tây Bắc quân của Phùng Ngọc Tường, Tấn hệ của Diêm Tích Sơn lần lượt gia nhập Quốc dân Cách mạng quân[53]. Liên Xô cũng cung cấp vũ khí cho cuộc chiến Bắc phạt của Quốc dân đảng. Dù sau này Tưởng Giới Thạch nổi tiếng chống cộng nhưng Liên Xô đã đóng vai trò rất lớn trong sự hình thành quân đội Trung Hoa Dân Quốc, trong việc Quốc dân đảng giành được chính quyền trung ương, cũng như trong sự phát triển của Quốc dân đảng. Đảng Cộng sản Trung Quốc lẫn Quốc dân đảng đều là những bản sao của Đảng Cộng sản Liên Xô. Nhờ cách tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ mà Quốc dân đảng có được sức mạnh tổ chức mà các đảng phái khác (trừ Đảng Cộng sản Trung Quốc) và các quân phiệt không có được. Sau này Tưởng Giới Thạch lãnh đạo Trung Quốc theo lối dĩ đảng trị quốc cũng là học từ Liên Xô.

Thời kỳ huấn chính

Phùng Ngọc Tường, Tưởng Giới Thạch, Diêm Tích Sơn trước khi bùng phát Đại chiến Trung Nguyên

Ngày 7 tháng 9 năm 1926, quân Bắc phạt công chiếm Hán Khẩu, ngày 8 tháng 11 công chiếm Nam Xương, ngày 11 tháng 11, Chính phủ Quốc dân tại Quảng Châu quyết định dời về phía bắc đến Vũ Hán, Tưởng Giới Thạch thì chủ trương thiên đô đến Nam Xương đang do ông khống chế. Tháng 3 năm 1927, quân Bắc phạt chiếm xong Thượng Hải và Nam Kinh, song giữa thế lực chống cộng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu và thế lực dung cộng do Uông Tinh Vệ đứng đầu phát sinh phân liệt[54]. Tưởng Giới Thạch sau thời gian ở Liên Xô đã trở nên căm ghét chủ nghĩa cộng sản. Ông hủy bỏ chính sách Liên minh với Nga của Tôn Trung Sơn. Mâu thuẫn giữa Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc gia tăng tới mức vào tháng 4/1927, Stalin gửi thư cho Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi nổi dậy vũ trang. Ngày 6/4/1927, Stalin tuyên bố Quân đội Quốc dân đảng là kẻ thù và Tưởng phải bị tiêu diệt.[55] Ngày 12 tháng 4 năm 1927, bùng phát sự kiện Tứ Nhất Nhị tại Thượng Hải khi Tưởng Giới Thạch phát động chính biến tiêu diệt các đảng viên cộng sản, đến ngày 18 tháng 4 ông lập ra Chính phủ Quốc dân riêng tại Nam Kinh. Ngày 15 tháng 7, Uông Tinh Vệ tại Vũ Hán cũng bắt đầu tiêu diệt Đảng viên cộng sản, Quốc-Cộng hợp tác lần thứ nhất do đó kết thúc[56][57].

Ngày 1 tháng 8 năm 1927, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động Khởi nghĩa Nam Xương, bắt đầu sử dụng vũ lực đoạt chính quyền, mở màn Quốc-Cộng nội chiến lần thứ nhất kéo dài 10 năm liên tục[57]. Tháng 5 năm 1928, Quốc dân Cách mạng quân tại Tế Nam bị quân đội Nhật Bản đánh chặn gây ra Thảm án Ngũ Tam, phải đi đường vòng để Bắc phạt. Tháng 6 năm 1928, quân Bắc phạt chiếm được Bắc Kinh. Ngày 29 tháng 12 cùng năm, lãnh đạo Phụng hệ là Trương Học Lương đánh điện đến Nam Kinh, tuyên bố tiếp nhận Chính phủ Quốc dân cai quản, đánh dấu thắng lợi của Chính phủ Quốc dân trong Bắc phạt, thống nhất Trung Quốc trên danh nghĩa. Tuy nhiên, không lâu sau giữa trung ương và quân phiệt địa phương bùng phát Trung Nguyên đại chiến[58], còn xung đột Quốc-Cộng tiếp tục tiến hành[59][60].

Năm 1927, sau khi Trung Hoa Dân Quốc định đô tại Nam Kinh, Tưởng Giới Thạch căn cứ theo "Đại cương kiến quốc Chính phủ Quốc dân" do Tôn Trung Sơn đề xuất, thực thi cấu trúc huấn chính lấy Quốc dân đảng làm cốt lõi lãnh đạo quốc gia, tạm thời thi hành chế độ một đảng[61][62][63], đồng thời chế định "Ước pháp thời kỳ huấn chính Trung Hoa Dân Quốc" làm hiến pháp lâm thời[64][65]. Trong thời kỳ này, Chính phủ Quốc dân có thành tựu trong phát triển quan hệ ngoại giao, giao thông vận tải, tài chính công cộng, sinh hoạt dân sinh, văn hóa, thậm chí do đạt nhiều thành tựu cải cách nên được tán tụng là Thập niên Nam Kinh[59]. Trong đó, Chính phủ liên tục thành lập các cơ cấu như Viện Nghiên cứu Trung ương, Ngân hàng Trung ương, ngoài ra còn thi hành ổn định vật giá, cải cách ngân hàng và thống nhất chế độ tiền tệ, và các chính sách kinh tế-xã hội khác; đồng thời chính phủ mở rộng sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, khiến tăng trưởng công nghiệp đạt trên 7,7%[59]. Thời kỳ năm 1932, đoàn đại biểu Trung Hoa Dân Quốc lần đầu tiên được phái tham dự Thế vận hội Mùa hè[66].

Chính phủ quốc gia của Nam Kinh - thống trị trên toàn bộ Trung Quốc trong những năm 1930

Năm 1931, Đế quốc Nhật Bản phát động Sự biến 28/9 xâm nhập Đông Bắc Trung Quốc đồng thời kiến lập Mãn Châu Quốc[67], sau đó Nhật Bản không ngừng phát động các hành động đối địch như Chiến dịch Trường Thành, Sự biến Hoa Bắc[68], song Trung Quốc Quốc dân Đảng lại chọn chính sách ổn định bên trong trước khi dẹp trừ ngoại xâm, một mặt liên tiếp thỏa hiệp với Nhật Bản, một mặt tăng cường diệt cộng. Ngày 12 tháng 12 năm 1936, các tướng lĩnh Quốc dân đảng chủ trương đoàn kết kháng Nhật là Trương Học Lương và Dương Hổ Thành phát động sự biến Tây An, buộc Tưởng Giới Thạch phải đình chỉ diệt cộng, đồng thời tái khởi động hợp tác cùng Đảng Cộng sản Trung Quốc, cùng phản kích Nhật Bản xâm lược. Hồng quân Công-Nông Trung Quốc của Đảng Cộng sản được cải biên thành Bát lộ quânTân Tứ quân thuộc Quốc dân Cách mạng quân[69].

Kháng chiến và Nội chiến

Mao và Tưởng thời kỳ hợp tác Quốc Cộng

Ngày 7 tháng 7 năm 1937, Nhật Bản phát động Sự kiện Lư Câu Kiều, Chiến tranh Trung-Nhật bùng phát toàn diện. Đến tháng 12 cùng năm, thủ đô Nam Kinh của Trung Hoa Dân Quốc thất thủ, Chính phủ Quốc dân triệt thoái đến Trùng Khánh[8]. Thời kỳ Chiến tranh kháng Nhật, Quốc dân Cách mạng quân ước tính có 1,7 triệu người nhập ngũ tác chiến[70], mặc dù Quốc dân Cách mạng quân ở thế yếu trong suốt chiến tranh do các nhân tố như trang bị và kinh tế, song vẫn cầm chân thành công quân Nhật trên chiến trường Trung Quốc, và giành thắng lợi trong một số chiến dịch. Ngày 7 tháng 12 năm 1941, Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng mở màn Chiến tranh Thái Bình Dương, sang ngày 8 Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật, đến ngày 9 Chính phủ Quốc dân chính thức tuyên chiến với Nhật, gia nhập Đồng Minh[71], Anh Quốc cũng mở tuyến đường Vân Nam-Miến Điện để vận chuyển cung cấp vật tư[72]. Nhật Bản lần lượt thành lập các chính quyền bù nhìn như Chính phủ Tự trị Liên hiệp Mông Cương, Chính quyền Uông Tinh Vệ[6], ngày 9 tháng 1 năm 1943 Chính phủ Quốc dân Uông Tinh Vệ tuyên chiến với liên minh Anh-Mỹ. Đầu tháng 8 năm 1945, Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, đồng thời Liên Xô tuyên chiến với Nhật, xuất binh chiếm cứ khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 15 tháng 8 năm 1945, Thiên hoàng Nhật Bản tuyên bố Nhật Bản đầu hàng vô điều kiện, đến ngày 2 tháng 9 cùng năm Nhật Bản ký vào Văn kiện đầu hàng. Ngày 9 tháng 9, Chính phủ Quốc dân tiếp nhận thư đầu hàng của Nhật Bản tại Nam Kinh, đến lúc này Trung Hoa Dân Quốc giành thắng lợi trong Chiến tranh kháng Nhật, đến năm sau dời thủ đô về Nam Kinh[73]. Chính phủ Quốc dân căn cứ theo Tuyên bố CairoTuyên bố Potsdam không chỉ thu hồi lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm cứ trong chiến tranh và khu vực Mãn Châu do Nhật Bản khống chế[74][75][76], mà còn tiếp quản Đài LoanBành Hồ bị nhà Thanh cắt nhượng cho Nhật Bản[77]. Đồng thời, Chính phủ Quốc dân thông qua đàm phán khiến các quốc gia Âu-Mỹ triệt tiêu các điều ước bất bình đẳng, và cùng với các quốc gia như Anh Quốc và Hoa Kỳ đổi sang ký kết các điều ước bình đẳng[78].

Bắt đầu từ năm 1945, Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản triển khai hòa đàm thành lập chính phủ liên hiệp do Hoa Kỳ làm trung gian[56]. Ngày 25 tháng 12 năm 1946, Quốc dân đại hội lập hiến pháp do Quốc dân đảng khống chế thông qua "Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc", song bị Đảng Cộng sản tẩy chay. Đầu năm 1947, sau khi Hoa Kỳ hòa giải thất bại[79], Quốc-Cộng nội chiến lần thứ hai bùng phát toàn diện[80]. Đồng thời, Chính phủ Dân quốc có chính sách sai lầm, gây ra lạm phát phi mã, để mất lòng dân[81]. Ngày 28 tháng 2 năm 1947, tại Đài Loan bùng phát sự kiện chống đối Quốc dân đảng[82][83]. Cuối năm 1947, Chính phủ Quốc dân theo yêu cầu của các giới chính thức ban bố hiến pháp, thực thi hiến chính, đồng thời cải tổ thành Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Năm 1948, Tưởng Giới Thạch và Lý Tông Nhân được bầu làm tổng thống và phó tổng thống đầu tiên sau khi thi hành hiến pháp, chính thức nhậm chức vào ngày 20 tháng 5 cùng năm[84]. Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu triển khai phản công chiến lược Quốc dân đảng, đồng thời đổi tên lực lượng vũ trang của mình thành Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, sau ba chiến dịch lớn Đảng Cộng sản Trung Quốc hoàn toàn khống chế khu vực Đông Bắc và khu vực Hoa Bắc[85].

Cuối tháng 1 năm 1949, Tưởng Giới Thạch tuyên bố từ nhiệm, Lý Tông Nhân tạm thời đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Tháng 4 năm 1949, sau khi đàm phán giữa Chính phủ Quốc dân và Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Bình tan vỡ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc phát động chiến dịch vượt Trường Giang, chiếm lĩnh thủ đô Nam Kinh và trung tâm kinh tế Thượng Hải[86][87]. Quyền tổng thống Lý Tông Nhân của Trung Hoa Dân Quốc nhận thấy đại thế đã mất nên đã bay sang Mỹ qua Hồng Kông, Tưởng Giới Thạch triệt thoái đến khu vực Tây Nam tiếp tục chỉ huy quân đội kháng cự[88][89].

Ngày 1 tháng 10 năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh[56][90], đến tháng 12 cùng năm Tưởng Giới Thạch hạ lệnh chính phủ trung ương từ khu vực Tây Nam triệt thoái và phòng thủ khu vực Đài Loan, đồng thời lấy Đài Bắc làm thủ đô lâm thời[91][92][93]. Trong quá trình triệt thoái, ngoài việc đem ngoại hối và vàng dự trữ đến Đài Loan, rất nhiều binh lính và cư dân Đại lục theo Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc rút sang khu vực Đài Loan[94][95].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trung Hoa Dân Quốc (1912–1949) http://202.55.1.83/history/history_news_year.asp?d... http://221.195.59.51:8005/reslib/400/110/030/L0000... http://60.250.180.26/acadmy/na001.html http://www.btzx.cn/Article/zjss/lszg/201012/25454.... http://myy.cass.cn/news/379429.htm http://kejiao.cntv.cn/bjjt/classpage/video/2010113... http://news.china.com.cn/rollnews/2011-06/13/conte... http://www.chinamil.com.cn/big5/wy/2011-12/21/cont... http://cpc.people.com.cn/GB/64162/64172/85037/8503... http://cpc.people.com.cn/GB/69112/75843/75874/7599...